Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp ‘trồng người’ !

Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp ‘trồng người’ – Báo Long An Online (baolongan.vn)

“Nếu được chọn lại công việc, tôi vẫn mong muốn gắn bó với môi trường giáo dục” là tâm sự của Hiệu trưởng Trường THCS Nhựt Tảo (TP.Tân An, tỉnh Long An) – Lê Thị Thủy. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, cô Thủy có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục, nhiều lần được nhận bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương.

Qua hộp thư Điều em muốn nói, cô Lê Thị Thủy hiểu học sinh nhiều hơn, từ đó, có hướng giải quyết những nguyện vọng chính đáng của các em

Nỗ lực trong từng nhiệm vụ

Cha mẹ công tác trong ngành Giáo dục, từ nhỏ, cô Thủy “nuôi” ước trở thành giáo viên (GV). Năm 1988, cô theo học Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, chuyên ngành Vật lý. Năm 1991, cô tốt nghiệp và được phân công nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội ở cơ sở 2, Trường THCS Nhựt Tảo (xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An). Sau 1 năm, cô được điều về điểm chính của trường (phường 1, TP.Tân An). Năm 1993, cô chuyển công tác về Trường THCS Lý Tự Trọng, làm Tổng phụ trách Đội và dạy môn Vật lý ở 2 điểm trường (phường 4 và xã Khánh Hậu, nay là phường Khánh Hậu, TP.Tân An).

Cùng lúc đảm nhận 2 nhiệm vụ nhưng cô luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Năm 2005, cô được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng. Trên cương vị mới, cô chú trọng đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên nhà trường. Trường THCS Lý Tự Trọng là một trong những trường đầu tiên ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Năm 2009, cô được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng. Khi đó, tỷ lệ tuyển sinh đầu cấp không bảo đảm về số lượng và chất lượng bởi đa số phụ huynh cho con học các trường ở trung tâm. Mỗi khối có 3 lớp, mỗi lớp có 25 học sinh (HS) nên việc bồi dưỡng dự kỳ thi HS giỏi các cấp còn hạn chế. Bên cạnh đó, trường đang trong quá trình phấn đấu đạt chuẩn quốc gia nhưng cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương và nỗ lực của nhà trường, năm 2010, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, năm học 2011-2012, trường thí điểm bán trú, dạy 2 buổi/ngày đối với lớp 6. Cô Thủy cho biết: “Trường THCS Lý Tự Trọng là trường đầu tiên cấp THCS của tỉnh mở lớp bán trú, có 99 HS đăng ký và phân bổ về 3 lớp. Thời gian đầu, lớp gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, với quyết tâm đổi mới, nhà trường vận động, xã hội hóa gần 1 tỉ đồng đầu tư nhà ăn, bếp ăn, bàn ghế,… trong đó, đa số nguồn kinh phí hỗ trợ từ phụ huynh. Ngoài ra, trường còn phối hợp tổ chức đi học tập kinh nghiệm tại một số trường ở TP.HCM”.

Sau khóa đầu tiên, trường có 65% HS xếp loại giỏi, không có HS yếu. Kết quả này là bước đệm quan trọng giúp nâng tỷ lệ đầu vào của trường. Cũng theo cô Thủy, vì số lượng đăng ký học bán trú quá lớn nên trường phải tổ chức thi tuyển đầu vào đối với HS ngoài địa bàn. Số lượng HS tăng từng năm, năm học 2014-2015, trường mở 16 lớp bán trú. Sau đó, mô hình được Sở Giáo dục và Đào tạo nhân rộng ở một số trường.

Tiếp tục cống hiến

Năm 2016, cô Thủy được luân chuyển về Trường THCS Nhựt Tảo. Trường có 45 lớp, gần 2.000 HS. Với kinh nghiệm 25 năm gắn bó trong môi trường giáo dục, cô vận dụng sáng tạo, áp dụng linh hoạt kiến thức tại đơn vị mới. Năm học 2018-2019, trường mở thành công các lớp bán trú, đến nay, có 20 lớp bán trú ở 4 khối lớp.

Ngoài ra, cô Thủy còn có nhiều đề tài, sáng kiến hay áp dụng cho trường: Biện pháp giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống cho HS đạt hiệu quả; mô hình Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trước cổng trường; Giúp HS vượt khó học tốt; các giải pháp để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả; đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn;… Hiện nay, Trường THCS Nhựt Tảo có tỷ lệ HS đậu vào Trường THPT Chuyên Long An đứng đầu tỉnh.

Trong vai trò “đầu tàu”, cô Thủy thường xuyên quan tâm đến đời sống cán bộ, GV, nhân viên nhà trường, phát huy sức mạnh tập thể để nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, cô rất quan tâm HS. Nhiều năm qua, cô duy trì mô hình Điều em muốn nói. “Trong khuôn viên trường có gắn nhiều hộp thư tiếp nhận ý kiến, tâm tư của HS. Qua hộp thư, Ban Giám hiệu và GV Tổng phụ trách Đội sẽ đọc và tìm hướng giải quyết hoặc có cách ứng xử phù hợp. Trước đây, mô hình thực hiện tại Trường THCS Lý Tự Trọng, hiện tôi tiếp tục áp dụng tại Trường THCS Nhựt Tảo” – cô Thủy nói.

Hơn 30 năm gắn bó với ngành Giáo dục, cô Thủy nhiều lần đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh; nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh; được chọn, cử đi dự thanh niên tiên tiến toàn quốc. Ngoài ra, cô còn được nhận bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương vì đạt danh hiệu Thanh niên tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Đổi mới sáng tạo trong dạy và học; gương điển hình tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2019; có thành tích xuất sắc trong công tác Tổng phụ trách Đội;…